Đừng chủ quan khi trẻ chậm nói

18/05/2019
Tin tức

Chậm nói ở trẻ cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời bởi trẻ chậm nói sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về trí não, cảm xúc, hoạt động, thậm chí bị tự kỷ nếu tình trạng kéo dài

Nếu trước 3 tuổi, trẻ có khó khăn trong việc phát triển ngôn ngữ thì nguy cơ ảnh hưởng việc học về sau là 50%. Đến 6 tuổi, trẻ còn gặp khó khăn về ngôn ngữ thì nguy cơ ảnh hưởng đến việc học là 100%. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ gặp khó khăn để đánh giá việc chậm nói ở trẻ.

Con chậm nói khi nào?

Con gái anh N.H.T (30 tuổi, ngụ Cà Mau) dù gần 3 tuổi nhưng bé chỉ nói được từ đơn. Anh T. cho biết: "Vì bé vẫn nói những từ đơn nên gia đình tưởng bé chỉ chậm nói thông thường. Tuy nhiên, tình cờ đọc được những thông tin về trẻ chậm nói ảnh hưởng đến sự phát triển của con nên tôi đưa bé đến bệnh viện thăm khám. Ban đầu nghĩ con bị dính thắng lưỡi nên tôi cho con đến chuyên khoa răng hàm mặt. Nhưng tại đây, bác sĩ tư vấn cần đưa bé đến khám tâm lý vì không có biểu hiện bất thường về bộ phận phát âm. Sau đó, tôi đưa bé đến Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), thì con được chẩn đoán chậm nói".

Anh T. cho biết bé được mẹ chăm sóc ở nhà, do công việc bận rộn nên vợ anh thường mở các chương trình thiếu nhi trên tivi cho bé xem. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bé chậm nói. "Bác sĩ tư vấn tôi phải cho con đi học mẫu giáo và hạn chế xem tivi, điện thoại để bé có thời gian tương tác nhiều hơn với mọi người thì mới cải thiện được tình trạng chậm nói" - anh T. kể.

Trường hợp của anh T. là một trong 60% cha mẹ đưa con đến Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2, thăm khám khi nhận thấy con có bất thường về ngôn ngữ.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết có nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Cụ thể: có các khiếm khuyết về não bộ và hệ thần kinh; khó khăn trong việc kết âm như khó bật âm, khó vận dụng các bộ máy phát âm (dính thắng lưỡi); môi trường ngôn ngữ chưa phù hợp như có quá nhiều thứ tiếng cùng lúc, ít được tương tác hoặc tiếp xúc, ít được nghe và sử dụng ngôn ngữ; sự giáo dục chưa phù hợp như các hướng dẫn từ ngữ, mẫu câu chưa đúng thời điểm; thiếu kỹ năng tương tác và giao tiếp.

Liên quan đến các trường hợp trẻ chậm nói do dính thắng lưỡi, TS-BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết mỗi ngày có hàng chục cha mẹ đưa trẻ đến khám vì mắc chứng này.

"Thắng lưỡi nằm dưới bụng lưỡi hình tam giác có vai trò vận động lưỡi và định hướng di chuyển của lưỡi. Bộ phận này giúp trẻ thực hiện hoàn chỉnh khả năng bú, nuốt và phát âm. Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh mang yếu tố di truyền khiến trẻ nuốt khó, gặp khó khăn khi phát âm, gây ngọng nghịu" - bác sĩ Đẩu thông tin.

Theo bác sĩ Đẩu, thời gian lý tưởng để phẫu thuật cắt tạo hình thắng lưỡi cho bé là từ 3- 6 tháng. Vì khoảng thời gian này trẻ đủ khỏe mạnh để chịu đựng tốt tiến trình phẫu thuật. Đặc biệt, khi trẻ chưa mọc răng cửa sẽ tránh tình trạng cắn lưỡi sau phẫu thuật do lưỡi bị tê. Nếu trẻ đã mọc răng, sau phẫu thuật có thể cho trẻ uống sữa lạnh, ngậm kẹo mút để tránh tình trạng cắn lưỡi.

Chia sẻ

Bài viết liên quan